Hòa Phát (HPG): ‘Quân bài’ chiến lược mở đường vào siêu dự án đường sắt tốc độ cao 67 tỷ USD

Ban lãnh đạo Hòa Phát (HPG) cho biết tại dự án Dung Quất 2, doanh nghiệp đã sản xuất thép vượt tiêu chuẩn yêu cầu cho thanh ray đường sắt tốc độ cao, qua đó khẳng định đủ năng lực cung ứng thép cho dự án trọng điểm này.

Vào chiều ngày 21/11, Chứng khoán HSC (HCM) đã tổ chức chương trình C2C với chủ đề “Ngành thép và sức khỏe của Hòa Phát”. Tại đây, bà Phạm Thị Kim Oanh, Giám đốc Tài chính của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã có những chia sẻ về kế hoạch sản xuất thép ray cho tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Với tiềm lực sản xuất lớn nhất Đông Nam Á, Hòa Phát tự tin khẳng định đủ năng lực cung ứng thép cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Phạm Thị Kim Oanh cho biết tại Khu liên hợp Gang thép Dung Quất 2, Hòa Phát đã sản xuất được thép chất lượng cao vượt tiêu chuẩn cần thiết cho dự án đường sắt tốc độ cao. Điều này chứng minh doanh nghiệp hoàn toàn có thể đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của sản phẩm thép ray này.

Hiện tại, Hòa Phát đang nghiên cứu, phát triển sản phẩm thép ray cũng như gửi chuyên gia tìm hiểu, học hỏi công nghệ tại các quốc gia tiên tiến trong lĩnh vực sản xuất thép. Khi Nhà nước quyết định triển khai dự án, Hòa Phát sẽ đẩy mạnh phát triển sản phẩm thép ray để tham gia đấu thầu dự án.

Bên cạnh đó, Chứng khoán HSC cũng đưa ra dẫn chứng về tiềm năng từ tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), dự án này có tổng vốn đầu tư lên đến 67 tỷ USD, trong đó chi phí tài sản cố định chiếm 35-50%, xây dựng và lắp ráp đường ray chiếm 12-15% và hạng mục nhà ga cùng đường vào ga chiếm 10-15%. Các hạng mục này yêu cầu một lượng lớn thép, không chỉ thép ray mà còn thép xây dựng và thép cuộn cán nóng (HRC), từ đó mở ra cơ hội lớn cho Hòa Phát đón đầu khối lượng công việc tại dự án trọng điểm này.

Ngoài ra, Hòa Phát còn đề xuất phương án sản xuất thanh ray cho tuyến đường sắt tốc độ cao tại nhà máy luyện kim ở Khu công nghiệp Hòa Tâm, thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên với tổng vốn đầu tư dự kiến 86.000 tỷ đồng, tương đương quy mô dự án Dung Quất 2. Đề xuất này bao gồm việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt dài khoảng 12km kết nối trực tiếp nhà máy với tuyến Bắc – Nam, nhằm tối ưu hóa vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn với chi phí logistics hiệu quả.

Nhà máy dự kiến sẽ sản xuất thanh ray có chiều dài từ 50m đến 100m và vận chuyển bằng đường sắt thay vì đường bộ. Đây là bước tiến chiến lược giúp Hòa Phát có nhiều lợi thế khi tham gia đấu thầu cung cấp thép cho dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam.

Trước đó, chia sẻ với Vietnamnet, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Hòa Phát, ông Trần Đình Long cho biết, trong trường hợp trúng thầu, doanh nghiệp này cam kết cung cấp đủ 6 triệu tấn thép các loại cho dự án, bao gồm thép đường ray cao tốc và thép dự ứng lực cường độ cao. Đồng thời, Hòa Phát cam kết sẽ giao hàng đúng tiến độ và đảm bảo giá cạnh tranh, thấp hơn so với thép nhập khẩu.

Việc Hòa Phát tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam không chỉ khẳng định bước tiến quan trọng của doanh nghiệp, mà còn tạo cơ hội để nâng cao vị thế trong ngành thép Việt Nam. Với cam kết cung cấp thép chất lượng cao, HPG sẽ góp phần củng cố năng lực sản xuất nội địa và đóng góp vào những kỳ tích trong việc phát triển đất nước.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Gọi điện thoại
0936.263.996
Chat Zalo